Vietnam    |    English
Hot line: 0437765118

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

  • (04)37765118 KD bán lẻ
  • (04)37765118 KD bán lẻ
  • (04)37765118 KD PP
  • (04)37765118 Hỗ trợ KT

THỐNG KÊ TRUY CẬP

  • Trực tuyến: 43
  • Tổng số: 829.602
Quảng cáo
Merinco
Các nghiên cứu
Trà và Sức khỏe
Trà và Sức khỏe

Cây chè (trà) và những chế phẩm của nó (trà xanh, trà đen, trà hương...) có nguồn gốc lâu đời, gắn bó với nhiều dân tộc á Đông. Cùng với sự phát triển của văn minh nhân loại, từ tập tục uống trà đã hình thành một loại hình văn hoá nghệ thuật, thậm chí một tôn giáo (trà đạo) mang đậm màu sắc thần bí phương Đông.

Ngày nay, trà không chỉ là một thức uống hàng ngày, rất phổ biến trong sinh hoạt đại chúng, mà còn là một loại lễ nghi thù tạc không thể thiếu trong giao tiếp xã hội bạn bè. Uống trà không những là thói quen trong đời sống, mà đã trở thành một nhã thú hưởng thụ tinh thần thanh cao để tu thân dưỡng tính. Uống trà không chỉ để giải khát mà còn có khả năng phòng trị bệnh tật, nâng cao sức khoẻ, kéo dài tuổi thọ cho con người. Theo Trần Tàng Khí, nhà y dược nổi tiếng đời Đường -Trung Quốc, tác giả của Bản thảo Thập Di, thì “trà là thuốc của vạn bệnh”. Bên ấm trà ngày xuân, mời bạn đọc cùng chúng tôi tìm hiểu đôi nét về tác dụng của cây chè đối với sức khoẻ.

Theo Đông y, trà có vị ngọt đắng, tính mát, nhập 5 kinh tâm, can, tỳ, phế, thận. Vị đắng nên có thể tả hạ (tẩy xổ), táo thấp, giáng nghịch. Vị ngọt nên bổ ích, hoà hoãn. Tính mát nên thanh nhiệt, tả hoả, giải độc. Lý Thời Trân trong Bản thảo cương mục có viết: “Trà hình thể khinh phù (nổi nhẹ), được chọn hái lúc búp non mới nhú, nên bẩm thụ khí đang lên của mùa xuân. Vị tuy đắng mà khí bạc (nhẹ nhàng mỏng mảnh) nên thuộc dương ở trong âm, có thể lên mà có thể xuống”. Do đó trà vừa công (trị bệnh) vừa bổ (bồi dưỡng), lại nhập được cả 5 tạng nên phát huy tác dụng toàn diện trên cơ thể, có thể phòng trị đối với hầu hết bệnh tật. Một số tác dụng chủ yếu của trà:
 
Tác dụng giải khát: Đây là tác dụng cơ bản nhất của trà, được phát hiện rất sớm, từ hơn năm ngàn năm trước. Trà là một thức uống thiên nhiên tuyệt hảo, hương vị thuần khiết độc đáo, được quảng đại quần chúng ưa thích, không chỉ ở á Đông mà khắp toàn thế giới. Bản thảo Thập Di từng viết: “giải khát, trừ dịch bệnh là đặc tính quý của trà”.
Tác dụng sáng mắt, thư thái đầu não: Nhờ khí vị nhẹ nhàng nên trà dễ dàng theo kinh Can lên đến đầu mắt, tiêu tán hoả nhiệt quấy nhiễu phần trên, nên trị được các bệnh về đầu mắt, các chứng hoa mắt, chóng mặt... Theo dược lý hiện đại, trong trà có hàm lượng vitamin C  khá phong phú, có thể phòng tránh bệnh đục thuỷ tinh thể. Ngoài ra, còn có ca-rô-ten (tiền sinh tố A) dễ bị oxy hoá thành retinol có tác dụng tăng cường thị lực của võng mạc mắt.
Tác dụng thanh nhiệt, giải nắng nóng: Nhờ tính mát nên trà có thể thanh nhiệt, chữa được các chứng  người nóng, phiền táo. Trà có khí nhẹ nhàng đi lên nên phát tán được tà khí nắng nóng. Trà lại có tác dụng lợi tiểu nên trừ được thử thấp, do đó giải được chứng say nắng.
Tác dụng lợi tiểu: Vị đắng nên trà dẫn khí đi xuống bàng quang, tăng cường chức năng khí hoá hành thuỷ. Do vậy, trà có tác dụng lợi tiểu. Dược lý hiện đại chứng minh nước trà lợi tiểu là do tác dụng tổng hợp của các thành phần côcain, caféin và tinh dầu thúc đẩy quá trình lọc nước tiểu của thận.
Tác dụng giải độc: Nhờ tác dụng lợi tiểu nên bài xuất được độc tố, làm giảm nồng độ các chất độc trong cơ thể. Ngoài ra, khí phát tán nhẹ nhàng của trà cũng bài tiết được độc tố qua đường mồ hôi. Công dụng giải độc của trà được phát hiện rất sớm, trong Thần Nông Bản Thảo Kinh - tác phẩm dược học đầu tiên của Đông y, còn ghi lại sự tích Vua Thần Nông nếm thuốc có ngày trúng độc 72 lần, đều dùng trà để giải độc. Theo Tây y, thành phần tanin (có 20% trong lá chè) được dùng để điều trị ngộ độc alcaloit, vì tanin làm kết tủa alcaloit. Ngoài ra, vitamin C trong trà có tác dụng giải độc cơ thể nhờ tính chất khử của nó.
Tác dụng hưng phấn thần kinh, chống buồn ngủ: Vì tính của trà mát, nên làm nhẹ nhõm sảng khoái tinh thần. Vị ngọt nên bổ ích, kích thích thần kinh hưng phấn, khiến người uống vào tỉnh táo, hoạt bát, không buồn ngủ. Theo dược lý hiện đại, tác dụng này chủ yếu do thành phần caféin (có 1,5 - 5% trong lá chè) kích thích thần kinh trung ương.
Tác dụng tiêu thực, trừ khử thực tích và đàm ẩm: Vì tính của trà nhẹ nhàng lên xuống đều được, nên phù hợp với sự thăng giáng của vị khí, thúc đẩy vị khí vận hoá, trừ được đàm ẩm, tiêu tán thực tích và các chất dầu béo khó tiêu.
Tác dụng giải say rượu: Uống rượu nhiều quá, rượu tích trong cơ thể, uất kết hoá nhiệt. Thấp nhiệt nung nấu bốc lên che mờ khí thanh dương, vì vậy mắt  không sáng rõ, nói không lưu loát. Tính trà lên xuống đều được, trên thì tán nhiệt, dưới thì lợi thấp, thấp nhiệt đều trừ, nên làm tỉnh thần, giải được say rượu. Theo dược lý hiện đại, vitamin C có tác dụng hoạt hoá men gan thuỷ phân cồn étilic thành nước và khí carbonic. Caféin tác dụng lợi tiểu, bài xuất nhanh rượu ra khỏi cơ thể và ức chế thận không tái hấp thu; kích thích thần kinh đại não bị rượu làm tê liệt; làm giãn mạch máu, hạ huyết áp, thúc đẩy huyết dịch tuần hoàn. Ngoài ra, các hợp chất polyphenol trong trà hoá hợp với cồn êtilic, khiến nồng độ cồn trong máu giảm xuống, nhờ vậy giải nhanh được say rượu.
Tác dụng chống lão suy, kéo dài tuổi thọ: Uống trà có lợi cho sức khoẻ và tuổi thọ thể hiện trên hai mặt. Một là, do trà có tác dụng vừa công vừa bổ, vừa trừ được nguyên nhân bệnh, vừa bổ túc khí lực cho cơ thể hoạt động điều hoà, mạnh khoẻ, sống lâu. Hai là, trên phương diện tinh thần, uống trà là một cách tu thân dưỡng tính khiến tinh thần sảng khoái, cởi mở, vui vẻ, điềm đạm, trong sáng, thanh tâm, tịnh trí. Tinh thần thư thái, khí huyết điều hoà, thử hỏi bệnh làm sao phát  đượcư Dược lý hiện đại cho biết các hợp chất trong trà có tác dụng chống oxy hoá lipit màng tế bào, hạ huyết áp, hạ cholesterol, hạ lipit máu, giảm trọng lượng, chống béo phì... đều là những nhân tố có lợi cho sức khoẻ.
Tác dụng phòng chống nhiễm xạ và ung thư. Đây là những tác dụng mới được phát hiện trong mấy thập niên gần đây. Các hợp chất polyphenol của trà có khả năng hấp thụ chất phóng xạ strontium rất cao, gần như  hoàn toàn nếu là nước trà xanh. Uống trà sau khi dùng xạ trị có thể nâng được chỉ số bạch cầu. Ngoài ra, các hợp chất trong trà có tác dụng ức chế sự hình thành muối nitrat bazơ là tiền chất gây ung thư, từ đó ngăn chặn sự hình thành amoni nitrat bazơ là chất gây ung thư. Trà còn làm tăng khả năng hoạt hoá của men gan, có tác dụng tiêu huỷ các chất hoá học gây ung thư. Phòng chống nhiễm xạ và ung thư nên dùng trà xanh là tốt nhất.
            Trên đây là một số tác dụng chủ yếu của trà, tổng hợp theo Đông y và Dược lý học hiện đại. Rõ ràng trà không chỉ đơn thuần là một thức uống giải khát thi vị, mà còn là một loại thuốc đa năng. Vì vậy, khi sử dụng cần phải cân nhắc liều lượng thích hợp. Theo Tây y, dùng trà đậm đặc quá dễ gây các chứng mất ngủ, táo bón, kích ứng dạ dày, bệnh tim mạch... Theo Lý Thời Trân (1518-1593) viết trong Bản thảo cương mục, người huyết kém, hư hàn uống trà đậm lâu ngày thì tỳ vị  lạnh, nguyên khí tổn hại, tinh huyết hao mòn, dẫn đến nhiều chứng nội thương như đàm ẩm, sán khí, ẩu nghịch, bĩ trướng, nuy tý... Vì vậy khi dùng trà nên uống ít và uống nóng để giảm bớt tác hại của trà. Điều này cũng phù hợp với kinh nghiệm của ông bà chúng ta thường nói: “bình minh nhất trản trà”. Danh y Tuệ Tĩnh cũng từng viết trong Trực Giải Chỉ Nam Dược Tính Phú: “Trà khả thanh tâm chỉ khát, ẩm nhất bát nhi vạn lự đốn tiêu” (trà vốn thanh tâm giải khát, uống một chén muôn điều nghĩ lặng không). Chỉ cần một chén trà đủ để người uống cảm thấy sảng khoái tinh thần, phục hồi thể lực, thanh lọc khí huyết, thư giãn tâm trí, trước khi bước vào một ngày lao động - học tập, phải chăng đó chính là khuôn vàng thước ngọc mà người nghiện trà cần ghi nhớ ư
            Để kết thúc bài viết này, xin trích dẫn mấy câu ca của Y Tổ Hải Thượng Lãn Ông viết trong sách Vệ Sinh Yếu Quyết để người đọc dễ nhớ tóm tắt tác dụng và cách thức uống trà:
 
Hàng ngày nước uống rất cần
Trà xanh giải khát sinh tân hoá đàm
Giải độc lợi tiểu tiêu cơm
Váng đầu chóng mặt lại càng được thanh
Uống vừa khoan khoái thần minh
Uống nhiều khó ngủ thân hình gầy xanh
Uống nhiều lúc đói chẳng lành
Hoả tiêu thận bại, tỳ sinh hư hàn
Nước trà uống lạnh tích đàm
Chi bằng uống nóng khi còn bốc hơi...
 
DS. Đặng Tuyết Trinh
Bệnh viện Bạch Mai
Bệnh viện 108
Bệnh viện Việt Pháp
Bệnh viện 103
Bệnh viện nhi trung ương
Bệnh viện phụ sản Hà Nội
Bệnh viện Việt Đức
Bệnh viện 198
CÔNG TY TNHH THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ MERINCO
Địa chỉ ĐKKD: Số 20, ngõ 116, phố Nhân Hoà, P.Nhân Chính, Q.Thanh Xuân, TP.Hà Nội.
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số: 0101798730 ngày cấp 13/10/2005 nơi cấp: Sở kế hoạch và đầu tư Thành Phố Hà Nội.
Văn bản công bố đủ điều kiện mua bán trang thiết bị y tế loại B C D Mã hồ sơ: 17011235/HSCBMB-HN Phiếu tiếp nhận số: Số :170001004/PCBMB-HN ngày 14/09/20217 của Sở Y Tế Hà Nội
Số điện thoại: 0437765118
Fax: 0437765117
Kinh doanh: Ms.Hạnh (04)37765118
Email: merinco.sales@gmail.com
Thiết kế website bởi WebsiteTot.vn